Bài Viết

Tổng hợp những bài viết và các bài chia sẻ

A-ĐAM và Ê-VA
Tài Khoản: Ôliu Dại
Thể Loại: Chia Sẻ
Số lượt xem: 107
10-08-2022

A-ĐAM và Ê-VA

Người Nam và Người Nữ

Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu về A-đam và Ê-va. Đức Chúa Trời dựng nên người nam và người nữ. Điều này ám chỉ về thân xác của con người. Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta hãy phân tích ngôn ngữ được dùng trong Kinh Thánh.

Người nam hay người đàn ông được dịch từ từ “ish/ אִישׁ”. Từ này được kết hợp bởi ba chữ cái “shin -yod - aleph”. Tiếng Do Thái được đọc từ phải qua trái giống như tiếng nho của Việt Nam ta. “Aleph” hình ảnh của đầu con bò có nghĩa là người lãnh đạo mạnh mẽ. “Yod” là hình ảnh của cánh tay mang nghĩa là hành động mạnh mẽ hay mục đích được hoàn thành. “Shin/sin” là hình ảnh của hàm răng có nghĩa là phá hủy. Ý nghĩa tượng hình của từ “ish’ là “người đàn ông là người lãnh đạo và hoàn thành những sự khó khăn; bảo vệ mình, gia đình và xã hội khỏi bị hủy diệt”. Người nữ trong Kinh Thánh là “ishah”. Đó là tên A-đam gọi Ê-va khi Thiên Chúa đem bà tới trước mặt ông. Chương 2 câu 23 diễn tả:

A-đam nói: "Bây giờ mới có người nầy, là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là người nữ, vì từ người nam mà có." (Sáng 2:23)

“Ishah” có nghĩa là “thuộc về người nam” hay “từ người nam mà ra”. Chúng ta thấy một chữ cái “he/ ה” được thêm vào sau chữ “ish”. Nó mang nghĩa là “của” hay “thuộc”.

Đó mới chỉ là bề mặt ngữ nghĩa của hai từ này. Giờ đây chúng ta đào sâu hơn một chút. Xin Chúa Thánh Linh giúp chúng ta hiểu được sự sâu xa ẩn náu bên trong của hai từ này. Đức Chúa Trời mạc khải tên của mình cho ông Môi-se là “Giê-hô-va/YHVH/יהוה”. Chúng ta thấy “yod” – chữ đầu tiên trong tên của Đức Chúa Trời ở giữa hai chữ cái “aleph” và “shin/sin”. Hai chữ cái này ghép vào thành từ “esh” có nghĩa là “lửa”. Điều này mang một ý nghĩa hết sức sâu xa. Trong sự khó khăn và đau khổ con người phải đối diện có Đức Chúa Trời ở trong. Còn trong từ “isha”/“người nữ” thì chữ cái cuối cùng của nó là “he/ה”. Chữ cái này cũng là chữ cái thứ hai hay cuối cùng trong tên của Đức Chúa Trời. Đối với người nữ, Đức Chúa Trời ở bên khi bà đối diện với những khó khăn đau khổ. Nếu chúng ta bỏ đi các chữ cái thuộc về tên Đức Chúa Trời thì cả hai đều mang nghĩa là “lửa”.

Thật thú vị phải không bạn! Nếu vợ chồng sống với nhau mà không có Chúa thì gia đình trở thành một “đống lửa” có thể thiêu rụi mọi thứ. Vì vậy, khi người nam và người nữ kết hợp nên vợ nên chồng cần có sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trong người đàn ông và ở bên người đàn bà để tình yêu và vinh quang của Đức Chúa Trời được bày tỏ. Tôi hy vọng rằng một chút suy tư nhỏ nhỏ này sẽ giúp mỗi người chúng ta luôn hướng về Chúa và mời Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta để những gì chúng ta đối mặt không còn là những khó khăn và đau khổ.

A-đam và Ê-va

A-đam vừa mang nghĩa là “con người” vừa mang nghĩa là “đất đỏ”. A-đam cũng là tên của con người đầu tiên được nhắc đến trong Thánh Kinh. Chúng ta hãy tìm hiểu một cách sâu xa hơn cái tên A-đam trong ngôn ngữ cổ Do Thái. A-đam được hình thành bởi ba chữ cái אדם (mem-dalet-aleph). Ý nghĩa hình ảnh của A-đam rất sâu sắc: “aleph” có nghĩa là “một người lãnh đạo mạnh mẽ”; “dalet” có nghĩa là “cánh cửa mở ra một con đường”; còn “mem” có nghĩa là “nước” – mang lại sự sống hay sự hủy diệt. Như vậy, ý nghĩa hình ảnh của A-đam có nghĩa là “A-đam – người lãnh đạo mạnh mẽ mở ra một cánh cửa dẫn đến sự sống hay sự chết”. Có lẽ đến đây chúng ta đã phần nào hiểu được cuộc đời của A-đam, con người lãnh đạo đầu tiên, đã dẫn toàn thể nhân loại đi vào con đường hủy diệt. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong chương sau khi nói đến vấn đề tội lỗi và sự chết.

Sáng Thế Ký chương 2 câu 7 và 8 đã miêu tả một chút chi tiết việc Đức Chúa Trời dựng nên A-đam từ bụi đất:

Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh. Sau đó, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một khu vườn tại Ê-đen, ở hướng đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.

Như tôi đã nói ở trên, A-đam được dựng nên có thần khí, linh hồn và thân xác. Chúng ta thấy rất rõ điều này ở câu Kinh Thánh trên đấy. “Bụi đất nắn nên hình người” đó là phần thân xác. Sau đó Đức Chúa Trời hà sinh khí vào lỗ mũi – Đó là việc Đức Chúa Trời đặt thần khí của con người vào trong A-đam. Khi thần khí và thân xác kết hợp thì con người trở thành sinh vật sống hay có linh hồn.

Mệnh lệnh về vấn đề trái cấm được ban cho A-đam.

“Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết.” (Sáng 2,16-17)

Mệnh lệnh này được coi như là sự thử thách của A-đam để vượt qua bài học vâng lời trước khi Đức Chúa Trời trao ban tất cả. Việc đặt ông trong một vườn nhỏ bên trong Ê-đen chỉ là khởi đầu. Đức Chúa Trời ban cho ông quyền tự do lựa chọn.

A-đam thi hành bổn phận bằng cách đặt tên cho từng loài vật mà Chúa đem đến. Việc đặt tên trong Kinh Thánh có nghĩa là người hay cái được đặt tên thuộc về người đặt tên. Nó cũng có nghĩa là người đặt tên làm chủ. Mặc ông bận rộn với công việc thường ngày của mình, nhưng A-đam vẫn không tìm thấy cho mình một người bạn tương xứng. Đức Chúa Trời phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ tạo nên một người giúp đỡ thích hợp với nó.”(Sáng 2,18). Đức Chúa Trời thấu hiểu nỗi cô đơn của ông và đã quyết định dựng nên cho ông một người bạn đời để giúp ông. Nhưng thực ra còn một ý nghĩa sâu thẳm đằng sau lời này của Đức Chúa Trời. Đó là việc sinh sôi nảy nở. Người đàn ông không thể nào giải phóng những con người ở bên trong ông. Toàn thể loài người vẫn đang ở trong A-đam. Vì thế, Chúa đã tìm ra giải pháp là tạo nên một người nữ có tử cung và có thể mang thai. Bà có thể đón nhận sự sống từ A-đam và trao ban sự sống đó cho thế gian qua việc sinh sản.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến cho A-đam ngủ mê, và lấy đi một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng chiếc xương sườn đã lấy từ A-đam dựng nên một người nữ và đưa đến cho A-đam. (Sáng 2:21-22)

Đức Chúa Trời cho A-đam ngủ một giấc say, trong khi đó Ngài lấy ra một khúc xương và từ đó tạo ra Ê-va. Hầu hết các bản dịch coi cái xương Chúa lấy ra là xương sườn bởi vì nó được dịch ra từ chữ “צֵלָע (tsela)”. Trong Kinh Thánh xương cũng còn đồng nghĩa với sự sống. Xương mà khô lại hay rã rời có nghĩa là chết. Nói cách khác, Đức Chúa Trời lấy sự sống trong A-đam để tạo nên một sự sống mới. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được sự sống trong Đức Kitô trong những chương sách mới. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói đến mỗi người chúng ta sống trong Đức Kitô.

Từ “tạo ra” hay làm nên trong đoạn Kinh Thánh trên đây là “banah”. Điều đó cho thấy Chúa tạo ra Ê-va khác với cách Ngài tạo ra A-đam qua từ “barah”. Từ “banah” thể hiện sự tỉ mỉ, nhào nắn giống một thợ gốm. Vì vậy, người đàn bà luôn luôn mang trong mình vẻ đẹp đầy quyến rũ. Sự khác biệt giữa A-đam và Ê-va cũng được thể hiện ở hai chữ “resh”/r và “nun”/n. “Resh” là hình ảnh của cái đầu người có nghĩa là người lãnh đạo hay một vị vua. Còn “nun” có hình ảnh con cá có nghĩa là sự sống hay hoạt động. Ê-va được dựng nên để đón nhận sự sống và trao ban sự sống từ A-đam. Vì thế A-đam đã gọi vợ mình là Ê-va. Có nghĩa là “mẹ của chúng sinh”. Sự trợ giúp lớn nhất của Ê-va cho A-đam là giúp ông trong việc sinh sản và bảo vệ nòi giống.

Qua sự phân tích ngôn ngữ trên đây chúng ta phần nào hiểu được mục đích của người nam và người nữ. Tuy khác nhau về thân xác nhưng giống nhau về thần khí và linh hồn. Vì vậy, người nam và người nữ hoàn toàn bình đẳng trong Đức Chúa Trời. Sống trong thế giới này, mỗi người có một nhiệm vụ, một kế hoạch và một con đường làm rạng rỡ vinh quang Chúa.

Có lẽ đến đây chúng ta đã hiểu rằng Đức Chúa Trời không dựng nên con người để thờ phượng Ngài nhưng thực ra là cùng Ngài bày tỏ vinh quang. Còn việc thờ phượng là sự đáp của con người trước Đấng Tạo Hóa. Chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề thờ phượng Đức Chúa Trời trong một chương sách gần đây.

Sau khi đã dựng nên A-đam và Ê-va và đặt họ vào trong mảnh vườn nhỏ trong Ê-đen. Đức Chúa Trời đã chúc phúc cho họ:

Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán: "Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất." Đức Chúa Trời lại phán: "Nầy, Ta sẽ ban cho các con mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, cùng mọi loài cây ra trái có hạt. Đó sẽ làm thức ăn cho các con". (Sáng 1:28-29)

Chúa không chỉ chúc phúc cho họ nhưng còn chăm lo cho họ về sự sống và ban cho họ hoa quả làm thức ăn. Nói cách khác Ngài luôn luôn chăm sóc con người chúng ta cho dù chúng ta có biết Ngài hay không biết Ngài. Vì trong Ngài, chúng ta luôn luôn là con cái và hình ảnh của Ngài. Đây cũng là một điều khiến cho mỗi người chúng ta suy nghĩ đến những người xung quanh mình – những người con và những hình ảnh của Chúa.

Nguyện xin Chúa đụng chạm trái tim của chúng ta để mỗi người chúng ta luôn nhiệt tâm đem vinh quang và tình yêu của Ngài đến với những người xung quanh.

Chưa có lời bình nào...
Lời Bình Của Bạn
60709

Tổng Số Ký Tự 400