Bài Viết

Tổng hợp những bài viết và các bài chia sẻ

Lời Mở Đầu - Nhập Thể

Tài Khoản:
Thể Loại:
Yêu Thích:
Không yêu thích:
Đăng Tải:
10-08-2022

Lời Mở đầu

Để hiểu được mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta phải quay về với Kinh Thánh Cựu Ước nơi mà chúng ta có thể tìm thấy lý do tại sao.

Trước khi Thiên Chúa dựng nên con người, Ngài đã có một cuộc họp với chính Ngài – Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong cuộc họp này Thiên Chúa đã đưa ra quyết định:

"Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất." (Sáng Thế Ký 1:26)

Trong câu Kinh Thánh này, chúng ta thấy Thiên Chúa phán với chủ từ “Chúng Ta”. Điều đó ám chỉ Ngài là Thiên Chúa có nhiều Ngôi Vị. Trong quyết định này Ngài đã nói rõ mục đích về việc dựng nên con người. Ngài muốn con người cai quản trái đất và những gì trong đó. Điều này đã được giải thích rõ ở chương 2:

"Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm nên trời và đất, thì trên đất chưa có bụi cây nào mọc ngoài đồng và cũng chưa có ngọn cỏ nào mọc trong ruộng, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chưa cho mưa xuống đất, và cũng chưa có người cày xới đất đai." (Sáng 2:5).

Vì chưa có con người cai quản và canh tác, Thiên Chúa đã không cho mưa xuống đất. Nói cách khác Thiên Chúa không muốn mặt đất phát triển theo sự hoang dã. Thiên Chúa không dựng nên con người chỉ để thờ phượng Ngài nhưng cùng Ngài trong sự quản lý tạo vật của Ngài, để bày tỏ vinh quang của Ngài.

Sau khi đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa đã tạo nên một mảnh vườn ở phía đông bên trong Ê-đen và đặt con người bên trong nó. Vì lý do này nhiều người đã lầm tưởng là “Vườn Ê-đen”. Nhưng sự thực thì không phải thế. Mảnh vườn Thiên Chúa làm nên và đặt A-đam vào trong không phải là toàn bộ Ê-đen mà chỉ là một phần thôi. Vậy câu hỏi “Ê-đen” mang ý nghĩa gì? Theo ngôn ngữ cổ Do Thái, Ê-đen mang một ý nghĩa hết sức quan trọng và sâu sắc. Nó được tạo nên bởi ba chữ cái ‘A-D-N’ [ע-ד-נ]. Ý nghĩa hình tượng của Ê-đen là “ע” [ayin] có hình ảnh đôi mắt có nghĩa là “nhìn, biết và kinh nghiệm”; “ד” [dalet] có hình ảnh của cánh cửa mở ra cho một con đường; “נ” [nun] có hình ảnh của con cá có nghĩa là sự hoạt động hay sự sống. Như vậy ý nghĩa hình tượng của Ê-đen là chúng ta “được thấy một cánh cửa mở ra dẫn đến sự sống”. Ngoài ra Ê-đen còn có nghĩa là “sự hoan lạc” hay “khoái lạc”. Nó cũng có nghĩa là sự “hiện diện”. Nói tóm lại “Ê-đen” có nghĩa là “cánh cửa mở ra cho sự hiện diện của Thiên Chúa mang lại sự sống và sự hoan lạc”. Vì lý do này cho đến ngày nay, người ta vẫn không thể xác định vị trí của Ê-đen trên trái đất. Nó mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi Ngài dựng nên con người, Ngài đặt con người vào trong sự hiện diện của Ngài để con người thi hành sứ mạng cai quản của mình. Trong sự hiện diện này, con người được tự do đi lại và nói chuyện với Chúa.

Sau khi đặt con người vào trong mảnh vườn Ngài tạo nên, Ngài có lệnh cho A-đam:

Giê-hô-va Đức Chúa Trời truyền phán với con người rằng: "Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết."(Sáng 2:16-17)

Trong mệnh lệnh này, chúng ta thấy Thiên Chúa đã nói rất rõ nếu con người ăn trái cây cho biết điều thiện điều ác thì con người sẽ chắc chắn phải chết. Đến đây có lẽ chúng ta phải dừng lại để suy ngẫm một chút về sự chết. Sự chết được Thiên Chúa dựng nên chứ không phải chỉ là một tình trạng hay một sản phẩm của Satan vì Ngài phán và mọi sự được hình thành như lời của Thi Thiên 33:9, “Vì Ngài phán thì mọi sự liền có; Ngài truyền lệnh thì muôn vật vững bền.” Sự chết được dựng nên để đảm bảo một điều là Ngài không nói dối. Nếu con người không vâng lời Ngài, thì sự chết sẽ có quyền sát phạt con người. Sự chết được dựng nên nhưng không có quyền năng sát phạt. Quyền năng đó chỉ được trao ban cho Sự Chết nếu con người bất tuân với huấn lệnh của Thiên Chúa. Nói cách khác Sự Chết được dựng nên cách tốt lành. Chỉ tiếc rằng con người đã phạm tội và Sự Chết có quyền trên con người và có quyền hủy diệt theo đúng lời của Thiên Chúa.

Sau khi con người phạm tội[1], con người đã mở cánh cửa cho sự chết đi vào trong thế gian, nhưng Thiên Chúa vì quá yêu thương hình ảnh của mình chính là con người mà Ngài không muốn nó bị hủy diệt cho nên Ngài đã có một kế hoạch nhằm phục hồi con người. Kế hoạch đó là lời hứa ban ơn cứu độ qua chính Con Một của Ngài. Vì chỉ có Ngài mới có thể giải quyết được những gì Ngài đã ấn định và những gì con người đã phá hủy. Trong hoàn cảnh này Thiên Chúa phải xử lý những vấn đề tội lỗi và sự chết của con người.

Những chương sách tiếp theo sẽ đi vào cụ thể từng vấn đề được mở đầu ở đây.

___________

[1] Chúng ta sẽ trở lại vấn đề tội lỗi ở chương sau

Chưa có lời bình nào...
Lời Bình Của Bạn
69319

Tổng Số Ký Tự 400