Bài Viết

Tổng hợp những bài viết và các bài chia sẻ

Tội Lỗi Và Sự Chết

Tài Khoản:
Thể Loại:
Yêu Thích:
Không yêu thích:
Đăng Tải:
10-08-2022

NGUỒN GỐC CỦA TỘI

Khi nói đến nguồn gốc của tội lỗi, chúng ta nhanh chóng trở về với chương ba của Sáng Thế Ký khi A-đam và Ê-va phạm tội bất phục tùng Đức Chúa Trời. Nhưng thực tế, khi đọc Kinh Thánh thì tội lỗi đã tồn tại trước khi có A-đam và Ê-va. Tội lỗi đã được tìm thấy trong trái tim của Heylel hay Lu-xi-phe, vị thiên thần ánh sáng hay thiên thần mang ánh sáng. Để hiểu thấu điều này chúng ta cùng cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh mở trí óc chúng ta.

Ê-sai 14:12-23 là một đoạn Kinh Thánh hết sức quan trọng để chúng ta hiểu được Lu-xi-phe và những việc làm của vị thiên thần này trước khi trở thành Satan (Kẻ Thù của Đức Chúa Trời và của loài người). Trong Kinh Thánh Do Thái, Lu-xi-phe có tên là “Haylel” xuất hiện trong đoạn Kinh Thánh Ê-sai này. Nó được ẩn náu dưới lời tiên tri về Vua Ba-by-lon, nhưng khi đọc kỹ thì chúng ta thấy, một con người như vua Ba-by-lon không thể có được những khả năng như Lu-xi-phe.

Tại sao “Haylel” lại được gọi là “Lu-xi-phe”? Câu trả lời cũng hết sức phức tạp. Vấn đề là do sự chuyển dịch ngữ nghĩa từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy-lạp và sang tiếng La-tinh. Khi các học giả dịch Kinh Thánh từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy-lạp, các ngài đã dịch “Haylel” thành “Ἑωσφόρος (heōsphoros)” tạm dịch “người/kẻ mang ánh sáng”. Tên này ám chỉ “Sao Mai/Sao Hôm” trong văn hóa Hy-lạp. Sự thực cả hai tên này là tên của một ngôi sao nhưng xuất hiện vào buổi sáng sớm (Sao Hôm) và buổi chiều tà (Sao Mai). Người Việt chúng ta gọi là Sao Kim. Tên khoa học là “Venus” (Vệ-Nữ). Vì lý do này, Heylel/Heōsphoros được dịch là “Lu-xi-phe” trong tiếng La-tinh. Hầu hết các bản Kinh Thánh trong các ngôn ngữ khác bao gồm cả tiếng Việt đều dịch là “Lu-xi-phe”.

Vị thiên thần ánh sáng này là một kỳ tác của Đức Chúa Trời trong công trình tạo dựng của Ngài. Chúng ta khó có thể hình dung ra vẻ đẹp ban đầu của Lu-xi-phe. Vẻ đẹp này được Ngôn sứ Ê-xê-chi-ên miêu tả ở chương 28:11-13. Nó được ẩn náu dưới cái tên Vua Ty-rơ. Đây là lý do tôi đã nói chúng ta phải xin Thánh Linh Thiên Chúa hướng dẫn cho hiểu.

“Ngươi trở thành một kiểu mẫu,
Về sự khôn ngoan và vẻ đẹp toàn hảo.

Ngươi vốn ở trong Ê-đen, là vườn của Đức Chúa Trời.
Ngươi đã có đủ mọi thứ ngọc báu,
Là ngọc mã não, ngọc vàng lợt, ngọc kim cương, Ngọc thủy thương, ngọc sắc biếc, ngọc bích, Ngọc sắc chàm, ngọc sắc xanh, ngọc hồng lựu và vàng nữa.
Nghề làm ra trống cơm và ống sáo thuộc về ngươi,
Từ ngày ngươi mới được dựng nên đã chuẩn bị sẵn rồi."

Đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy, Lu-xi-phe được tạo nên hoàn hảo với một vẻ đẹp kỳ diệu. Sự đẹp đẽ đó được thể hiện qua các ngọc ngà châu báu. Bạn hãy tưởng tượng khi nguồn ánh sáng chiếu vào vị thiên thần này, điều gì sẽ xảy ra! Một sự phản xạ đầy màu sắc rực rỡ xung quanh Lu-xi-phe. Đó là lý do vì sao Lu-xi-phe được gọi là “con của bình minh” hay là vị thiên thần ánh sáng. Lu-xi-phe không chỉ mang vẻ đẹp bên ngoài mà còn cả vẻ đẹp bên trong vì Đức Chúa Trời đã xức dầu hay lựa chọn vị thiên thần này là Thần Hộ Vệ (Che-rup), bảo vệ vinh quang của Ngài. Ngoài ra vị thiên thần này còn là một nhạc trưởng với những nhạc cụ được đặt sẵn bên trong mình. Chỉ cần vị thiên thần xuất hiện thì lập tức cả thiên đình cất tiếng ca ngợi Chúa Các Đạo Binh cho nên Lu-xi-phe có được một vị trí đặc biệt trong Ê-đen, Vườn của Đức Chúa, được ở trên núi thánh và được phép đi lại giữa những “tảng đá rực lửa” hay là bệ dưới chân Đức Chúa. Không một vị thiên thần nào có được ân huệ như vậy.

Tuy Lu-xi-phe được dựng nên hoàn hảo như vậy, nhưng vị thiên thần này không chịu phục tùng Chúa mà lại nổi lên sự kiêu ngạo từ đáy lòng mình. Sự kiêu ngạo này không thể giấu được Chúa mặc dù nó ở trong lòng như Ê-xê-chi-ên nói: “Đường lối ngươi trọn vẹn, Từ ngày ngươi được dựng nên, Cho đến khi thấy sự gian ác trong ngươi” (28:15). Vậy tội lỗi xuất hiện trong Lu-xi-phe là gì? Chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này trong Ê-sai 14:13-14.

Lu-xi-phe tự nhủ:

“Chính ngươi đã nói trong lòng rằng: Ta sẽ lên trời,
Ta sẽ nhấc ngai ta lên cao hơn các ngôi sao của Ðức Chúa Trời;
Ta sẽ ngồi trên núi hội kiến xa tít về phương bắc.
Ta sẽ lên cao hơn các đám mây;
Làm cho ta giống Đấng Rất Cao.”
(14:13-14)

Sự thực qua những gì Lu-xi-phe tự nhủ chúng ta thấy vị thiên thần này đã có tất cả chỉ có một điều không có đó là trở nên giống như Đức Chúa nắm trong tay quyền lực cai trị. Sự tự cao này là một cuộc nổi loạn trong Nước Trời. Để đạt được tham vọng này, Lu-xi-phe đã dùng cách trao đổi và mua bán với các thiên thần khác hay các tạo vật khác của Đức Chúa; thậm trí còn thâu tóm vinh quang của Chúa cho mình. Sự thâu tóm này đã khiến Lu-xi-phe trở nên đen tối; vẻ đẹp của Đức Chúa nơi vị thiên thần không còn tinh tuyền và thánh thiện nữa.

"Lòng ngươi kiêu ngạo vì vẻ đẹp ngươi,
Và vinh quang của ngươi làm hỏng sự khôn ngoan mình.
Ta đã xô ngươi xuống đất,
Đặt ngươi trước mặt các vua, làm trò cho họ xem." (Ez 28:17)

Đức Chúa đã nhìn thấu trái tim của Lu-xi-phe và đuổi vị thiên thần này ra khỏi sự hiện diện của Ngài. Chúa đã quẳng Lu-xi-phe xuống đất và chính Đức Kitô đã chứng kiến và nói lại cho các môn đệ: “Ta đã thấy Sa-tan từ trời sa xuống như chớp.” (Lu-ca 10:18). Sự sa xuống đất này đã khiến cho trái đất trở nên hỗn loạn không còn hình hài. Đến đây chắc bạn đang được nhắc nhớ đến những câu đầu của Sáng Thế Ký “Đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực.” (Sáng 1:2)

Đây là lý giải cho một “khoảng trống” giữa câu 1 và câu 2 của chương sách đầu tiên của Kinh Thánh. Nếu chúng ta đọc kỹ lại một lần nữa chúng ta phải đặt câu hỏi: Nếu đây là sự tạo dựng từ hư vô, tại sao Kinh Thánh nhắc tới “Đất” và “Nước” trong khi mọi sự chưa được hình thành. “Đất không có hình dạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” “Khoảng trống” mà tôi muốn nói đây đó là Thiên Chúa dựng nên trời và đất một cách hoàn hảo trước khi có con người. Nhưng nó đã trở nên “hư vô và không hình hài” là vì Lu-xi-phe và các thiên thần phản loạn. Bóng tối bao trùm vực thẳm. Trong tiếng Do Thái, bóng tối còn có nghĩa là thiếu sự khôn ngoan hay sự ngu xuẩn. Lu-xi-phe đã “đã làm hỏng sự khôn ngoan” của mình và sự trái ngược với sự khôn ngoan là sự ngu xuẩn và trái ngược với ánh sáng là bóng tối. Vì thế, bóng tối trong Sáng Thế Ký 1:2 là một sự hỗn loạn không biết đến mục đích và sự tồn tại của mình. Trái đất nằm trong hỗn mang và mọi vật trong trái đất trở nên “đen tối” không hình hài; không biết kế hoạch của Thiên Chúa cho mình.

Sau khi Lu-xi-phe bị đầy xuống trái đất, vị thiên thần này trở nên “thất nghiệp và vô dụng”. Ánh sáng mà Lu-xi-phe mang trong mình trở thành bóng tối, đi đến đâu hay đụng chạm đến cái gì cũng làm cho chúng chìm trong bóng tối.

Những người thấy ngươi sẽ chăm chú nhìn ngươi và hỏi:
“Có phải đây là kẻ đã từng làm rung chuyển địa cầu,
Làm cho các vương quốc đảo điên,
Làm cho thế giới trở thành hoang mạc,
Lật đổ các thành,
Và không mở cửa ngục cho kẻ bị cầm tù chăng?” (Ê-sai 14:16-17)

Chính vì lý do đó để bắt đầu một cuộc hành trình mới, một cuộc sáng tạo mới hay là một sự chuẩn bị cho con người. Đức Chúa đã phán “hãy có ánh sáng”. Ánh sáng này không phải là “ánh sáng thể chất” của mặt trời, mặt trăng hay các vì sao nhưng là “sự hiểu biết và sự khôn ngoan” đem lại cho trời và đất một cuộc thanh tẩy mà Lu-xi-phe gây lên. Ánh sáng đó được Giăng nói tới đó chính là Ngôi Lời của Đức Chúa, là sự sống cho muôn loài. Vì thế, khi Đức Chúa Trời “phán” thì mọi sự được “tạo ra”. Thực chất, Lời của Ngài đem lại sự sống và sự khôn ngoan cho các tạo vật và lúc này chúng biết được vị trí và mục đích tồn tại của mình. Mọi sự trở nên tốt đẹp, trong sáng, và thánh thiện nhờ có Lời của Đức Chúa. Chúng được kêu gọi đi ra khỏi bóng tối để vinh quang Chúa được bày tỏ. Tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói đến sự sa ngã của con người.

Sự tự cao đã khiến Lu-xi-phe trở thành kẻ thù địch với Đức Chúa và các tạo vật của Ngài. Có lẽ đến đây bạn đã hiểu vì sao Lu-xi-phe có cái tên là “Sa-tan”. Trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “Kẻ Thù”. Đó là tên mà Đức Kitô dùng mỗi khi nhắc đến Sa-tan.

SỰ CÁM DỖ

Sau khi con người được dựng nên và được đặt vào trong mảnh vườn đầy yêu thương và sự chăm sóc của Thiên Chúa. Điều này không tránh được sự ghen tương vốn có của Sa-tan. Cho nên nó đã tìm cách phá hủy sự hoàn hảo của con người bằng cách bén mảng tới mảnh vườn để chờ cơ hội. Vì là thần khí và thuộc về thế giới thiêng liêng, nên Sa-tan không thể thi hành mục đích của mình cho nên nó đã mượn thân xác của con rắn vì rắn là loài vật quỷ quyệt. Kinh Thánh không nói rõ cho chúng ta về sự quỷ quyệt của loài rắn, nhưng sự xảo quyệt này chính Đức Kitô cũng đã nhắc tới. Bên cạnh đó trong tiếng Do Thái từ con rắn “נחש‎ [Nāḥāš] có nghĩa là “rảo quanh và rình mò nhằm phá hủy sự sống”. Đó chính là hình ảnh Sa-tan trong cuộc cám dỗ con người.

Câu chuyện cám dỗ bắt đầu từ cuộc nói chuyện với người nữ: “Có thật Ðức Chúa Trời đã dặn các người không được ăn trái của các cây trong vườn sao?” (Sáng 3:1). Nó bắt đầu bằng Lời của Đức Chúa nhưng bẻ cong sự thật vì Thiên Chúa nói các ngươi được ăn mọi thứ cây cỏ trong vườn. Sa-tan rất khôn ngoan và quỷ quyệt nó biết người nữ muốn gì và thích gì. Ăn uống là việc bà phải làm, chuẩn bị những bữa ăn cho chồng mình là một lẽ tự nhiên. Nhưng mục đích của Sa-tan là nhằm đem con người đến sự chết và nó cũng biết rằng sự chết chỉ có quyền lực giết con người khi con người bất tuân với mệnh lệnh của Thiên Chúa cho A-đam: “Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết.” (Sáng 2:16-17). Sự chết gắn liền với việc ăn trái “Cây hiểu biết thiện ác”. Sa-tan đã dùng điều này để cám dỗ người nữ.

Trong cuộc đối thoại giữa con rắn và người nữ chúng ta thấy bản thân chính người nữ cũng bẻ cong lời của Đức Chúa khi bà trả lời:

“Chúng tôi được ăn trái của các cây trong vườn; nhưng về trái của cây trồng giữa vườn, Đức Chúa Trời đã phán: 'Các con không được ăn, cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy, kẻo các con sẽ chết.’” (Sáng 3:2-3)

“Các còn cũng đừng đụng chạm đến trái cây ấy” là lời mà bà thêm vào câu nói của Đức Chúa. Điều này mở ra một sự yếu đuối của bà vì Lời của Đức Chúa thực sự không chắc chắn. Tại sao tôi lại nhấn mạnh điều này? Lý do là nhờ lời Thi Thiên đã hé mở: “Con giấu lời Chúa trong lòng con, Ðể con không phạm tội cùng Chúa.” (Thi 119:11). Như chúng ta đã nói ở trên Lời Chúa là sự sáng giúp chúng ta nhìn nhận sự thật về chính mình và về Đức Chúa Trời.

Nhưng người nữ đã mắc phải mồi câu của con rắn:

Con rắn nói với người nữ: “Các người chắc chắn không chết đâu! Vì Ðức Chúa Trời biết rằng khi nào các người ăn trái cây đó thì mắt mở ra, và các người sẽ giống Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng 3:4-5)

Con rắn đã đánh vào tâm lý tò mò của người nữ. Những lời nói ngon ngọt của nó khiến bà không nhận ra rằng bà đã mang hình ảnh của Đức Chúa, bà vốn sinh ra đã giống hình ảnh của Ngài. Tự ti về bản thân mình sẽ đem đến sự hủy hoại chính mình. Con rắn đã đánh đúng tim đen của người đàn bà và khiến bà nhìn với con mắt thèm muốn: “Khi người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì làm cho mình khôn ngoan.” (Sáng 3:6)

Sau khi nhìn thấy trái cây, bà bắt đầu suy nghĩ. Sự suy nghĩ này đã gợi lên trong bà sự thèm muốn. Trong khi đó con rắn vẫn im lặng không phải nói thêm điều gì. Nó biết bà đã cắn câu và ăn mồi. Nó chỉ việc chờ đợi bà hành động. Quả thực, bà “hái và ăn, rồi trao cho chồng đang đứng bên cạnh; chồng cũng ăn nữa.” Bà không chỉ hành động mà còn làm ảnh hưởng đến người chồng của bà.

Sự cám dỗ diễn ra nhanh chóng trong đoạn Kinh Thánh này, nhưng thực tế nó rất phức tạp và kéo dài. Qua bài học này chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận với những gì chúng ta nghe và nhìn. Đây là điều cần thiết để những gì không phải của Chúa lấn chiếm linh hồn chúng ta. Những bộ phim chúng ta xem, những sách vở chúng ta đọc hay những hình ảnh chúng ta xem có rất nhiều ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhiều khi nó làm sói mòn Lời Chúa trong chúng ta. Những con người chúng ta gặp gỡ và nói chuyện. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải để tâm đến Lời Chúa và luôn so sánh với Lời Chúa để tránh những sai lầm.

Hai ông bà đã mắc mưu của con rắn và cả hai đã ăn trái cây hiểu biết điều thiện điều dữ. Thế giới của hai ông bà đã đảo lộn.

Bấy giờ mắt cả hai người đều mở ra và nhận biết mình trần truồng. Họ kết lá cây vả làm khố che thân.” (Sáng 3:7)

Quả thực mắt của hai ông bà mở ra nhưng không phải là để nhìn thấy sự thật nhưng là để nhìn thấy sự giả dối. Trước khi phạm tội, ông bà vốn vẫn trần truồng nhưng không xấu hổ bởi vì con mắt của thần khí giúp ông bà nhìn thấy hình ảnh Đức Chúa Trời trong mình; nhìn thấy mình ở trong nhau. Đó là lý do A-đam khi thấy người nữ ông nhận ra ngay “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Chúa không cần phải giới thiệu người nữ cho ông. Đôi mắt thần khí nhìn thấy cái đẹp và sự sống. Nhưng sau khi phạm tội, đôi mắt thần khí không còn và giờ đây đôi mắt xác thịt bắt đầu mở ra. Cái đầu tiên ông bà thấy là sự xấu hổ và tìm cách che giấu sự xấu hổ của mình. Hai ông bà đã dùng lá vả để làm khố che thân. Khi nghe Đức Chúa gọi thì ông bà trở nên sợ hãi vì đôi tai thần khí không còn thính nữa vì chúng đã bị những lời đen tối của Sa-tan làm điếc đi.

Khi lời giả dối của Sa-tan đi vào trong trí óc và trái tim của con người khiến con người suy nghĩ và tưởng tượng ra nhiều điều và nó trở thành một guồng máy tạo ra tội ở trong lòng. Đó chính là tội mà Lu-xi-phe đã mắc phải nhưng không gì có thể giấu được Đức Chúa Trời.

Một câu hỏi người ta thường đặt ra trong đoạn Kinh Thánh này là: Đức Chúa ở đâu và tại sao để chuyện đó xảy ra? Thực ra, Chúa hoàn toàn làm chủ tình huống nhưng vì tôn trọng sự tự do của con người mà Chúa để cho con người lựa chọn. Có một điều ít người để ý tới trong đoạn Kinh Thánh nói về sự chúc phúc của Đức Chúa cho hai người nam và người nữ đó là Ngài đã cảnh báo ông bà khi nói: “hãy chế ngự nó”/"hãy quản trị". Từ “chế ngự” trong tiếng Do Thái là כָּבַשׁ [ḵâḇaš]. Từ này được dùng để thống trị hay chế ngự kẻ thù. Nói cách khác biến kẻ thù thành nô lệ. Nếu chúng ta đặt vào trong bối cảnh của lời chúc phúc, trái đất và những gì trong đó hoàn toàn dưới quyền của con người quản lý. Chúng được dựng nên cách tốt đẹp không có gì phải bàn cãi. Nhưng điều mà Đức Chúa muốn nhắc nhở con người là sự hiện diện của Sa-tan trong thế gian. Chúa cho con người quyền làm chủ trên cả Sa-tan. Lẽ ra, A-đam phải làm chủ và đuổi Sa-tan ra khỏi con rắn, phải trừng phạt con rắn vì đã để Sa-tan mượn thân xác mình. A-đam hoàn toàn có quyền vì Chúa đã ban cho. Chỉ tiếc rằng ông đã không làm điều đó và Sa-tan đã hoàn thành quỷ kế của mình!

Vậy A-đam và Ê-va đã phạm tội gì?

Người ta thường nói là tội kiêu ngạo đòi bằng Đức Chúa Trời nhưng thực ra không phải vậy. Tội kiêu ngạo là tội của Lu-xi-phe. Tội mà Sa-tan muốn gieo vào trong lòng con người. Trên thực tế, tội mà con người phạm là “bất tuân” lời Chúa, chối bỏ Lời Đức Chúa trong mình. Nói cách khác, con người đã chối bỏ sự sống và ánh sáng của Chúa ở trong mình, đã đánh mất “dòng máu” thần khí trong mình, và đánh mất quyền làm con Đức Chúa Trời. Cuối cùng, đánh mất quyền thừa hưởng gia tài của mình. Trái đất và những gì trong đó không còn thuộc về con người nữa. Hơn nữa, con người còn phải “chết”.

SỰ CHẾT

Như tôi đã nói ở phần mở đầu, sự chết được Đức Chúa Trời dựng nên sau khi Ngài nói với con người "Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn, vì ngày nào con ăn trái cây đó, chắc chắn con sẽ chết.” Sự chết được dựng nên để đảm bảo một điều là Chúa không nói dối. Nếu con người bất tuân và ăn trái cây biết thiện và ác thì sự chết sẽ có quyền trên con người. Sự chết bắt đầu công việc của mình.

Một điều đáng quan tâm ở đây là sau khi con người ăn rồi, ông vẫn còn sống đến 930 tuổi mới chết. Vậy “ngày nào con ăn… con sẽ chết” có ý nghĩa gì?

Có ba cái chết mà con người trải qua: (1) cái chết trong thần khí, (2) cái chết trong mối quan hệ và (3) cái chết của thân xác.

1. Cái Chết Trong Thần Khí

    Hậu quả của sự bất tuân là đánh mất lời Đức Chúa Trời trong mình. Khi Lời Đức Chúa không còn trong mình, con người đã trải nghiệm sự chết vì lời Chúa là sự sống nuôi dưỡng thần khí chúng ta. Thánh Linh Chúa cũng đành phải rời xa chúng ta. Thần khí của con người bị giam hãm, “chết dần chết mòn”. Tôi nói thế để chúng ta hình dung ra sự đau khổ của thần khí con người khi thiếu bóng Đức Chúa Trời. Trên thực tế, thần khí của con người không thể chết. Đó chính là sự thánh thiện của con người. Chúa không lấy đi vì đó là chúng ta – hình ảnh của Chúa. Cho dù con người có từ chối Chúa và có tội lỗi đến đâu, từ trong sâu thẳm của mình vẫn còn tiếng gào thét của sự thánh thiện và người đời thường gọi là “lương tâm”. Từ trong sâu thẳm, con người vẫn có thể nhận ra sự tội nhưng vì quá yếu đuối và không có Lời Chúa và Thánh Linh Chúa ở cùng nên thần khí không có sức mạnh điều khiển chính mình.

    2. Cái Chết Trong Mối Quan Hệ

      “Khi nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi trong vườn lúc chiều mát, A-đam và vợ ẩn mình giữa các lùm cây trong vườn để tránh mặt Giê-hô-va Ðức Chúa Trời.” ( Sáng 3:8)

      Sự Chết Trong Mối Quan Hệ Với Đức Chúa Trời.

      Sau khi phạm tội, con người đã đánh mất vị trí của mình. Họ đã trốn tránh Đức Chúa. Khi Chúa gọi và hỏi: “Con ở đâu?” A-đam thưa: “Nghe tiếng Chúa trong vườn, con sợ nên đi trốn, vì con trần truồng.” Sự sợ hãi đã lấn chiếm trái tim con người. Đó chính là sự tách biệt giữa ánh sáng và bóng tối; giữa Đức Chúa Trời và con người. Đây là cái chết của mối quan hệ giữa con người và Đức Chúa. Một điều đáng chú ý ở đây, cho dù con người có phạm tội và có lẩn tránh Chúa, Ngài vẫn tìm đến với tình yêu thương của Ngài. Cụ thể là vào khoảng chiều tối, khi gió thổi hiu hiu, Đức Chúa đi dạo trong vườn. Điều này chứng tỏ dù Chúa đã biết con người phạm tội, nhưng Ngài không hề thay đổi đối với con người. Khi Ngài xuất hiện trong khoảng chiều tối nhưng không phải với giông tố, không phải với giận dữ. Thế nhưng chính con người trốn tránh Ngài. Bóng tối và sự chết đã bao phủ trái tim con người và đã làm cho con người lánh xa Chúa. Cái chết này thật đáng sợ vì con người không nhận ra!

      Cái Chết Trong Mối Quan Hệ Với Nhau

      Khi Chúa hỏi tội, A-đam quay sang đổ lỗi cho người vợ của mình. Đây là một điều thường tình xảy ra. Con người tìm cách đổ lỗi và cắn xé cho nhau. Vị trí Chúa trao ban cho A-đam là làm chủ. Ông là người có trách nhiệm trong mọi sự xảy ra trong gia đình và trong thế giới. Việc ông để cho Sa-tan mượn xác con rắn đã là một sai lầm lớn của ông. Lẽ ra ông phải đuổi Sa-tan ra khỏi con rắn. Khi người nữ đưa cho ông trái cấm, lẽ ra phải răn đe bà và không ăn, nhưng ông đã không làm điều đó. Ông đã đánh mất vị trí của mình. Hơn nữa, thay vì xin Chúa tha thứ, ông còn đổ tội cho vợ mình. Một điều đáng lưu ý ở đây khi Sa-tan – kẻ trộm tấn công chúng ta, điều quan trong nhất là phải cùng nhau đối mặt với nó. Tìm bắt kẻ trộm chứ đừng cãi vã và đổ tội cho nhau để rồi kẻ trộm cứ ung dung lấy đi những gì nó muốn.

      Hai ông bà không còn nhìn thấy nhau bình đẳng và mĩ miều nữa. Nhưng ngược lại, vẻ đẹp của thân xác trở thành sự quyến rũ cho dục vọng. Thay vì yêu mến và quý trọng người vợ mình, thì A-đam đã có quyền trên bà. Sự trợ giúp đem lại niềm vui và hạnh phúc trong việc sinh con cái, giờ trở thành nỗi đau đớn. Đây là lời nguyền của Đức Chúa Trời cho người phụ nữ:

      “Ta sẽ giả tăng nhiều nỗi nhọc nhằn khi con mang thai,
      Và thêm nhiều đau đớn mỗi khi con sinh đẻ.
      Tuy nhiên, con vẫn ước muốn sống bên chồng,
      Và chồng sẽ cai trị con.” ( Sáng 3:16)

      Lẽ ra không ai có quyền trên ai vì tất cả đều bình đẳng trước mặt Chúa. Nhưng vì tội lỗi, con người tìm cách thống trị nhau. Lịch sử con người đầy rẫy những câu chuyện tang thương này.

      Cái Chết Trong Mối Quan Hệ Tạo Vật Của Đức Chúa Trời

      Có một điều đáng chú tâm ở đây để chúng ta thấy được tình yêu của Chúa. Ngài không trực tiếp nguyền rủa con người mà đất đã gánh lấy lời nguyền rủa của Chúa cho con người.

      Nên đất sẽ vì con mà bị nguyền rủa;
      Con phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra.

      Lời nguyền rủa này được giảm nhẹ qua ông Nô-ê và được hoàn toàn tháo cởi trong Đức Ki-tô. Tạo vật xung quanh con người trở nên xa lạ với họ. Những gì họ được tự do và nhẹ nhàng vui hưởng, giờ trở thành nỗi cực nhọc. Lời nguyền này được thể hiện trong lời của Phao-lô gửi cho tín hữu thành Rô-ma:

      "Muôn vật đã bị lệ thuộc sự hư không, chẳng phải tự ý, nhưng bởi Ðấng muốn chúng lệ thuộc, với hi vọng rằng chính muôn vật rồi đây cũng sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Ðức Chúa Trời. Vì chúng ta biết rằng tất cả tạo vật đều than thở và quặn thắt cho đến ngày nay." ( Rô 8, 20-22 )

      3. Sự Chết Của Thân Xác

        Cuối cùng là sự chết của thân xác như lời Đức Chúa phán với con người.

        "...Cho đến ngày con trở về đất, là nơi con từ đó mà ra. Vì con là cát bụi, con sẽ trở về với cát bụi.” ( Sáng 3:19)

        Đó là cái chết mà mỗi người chúng ta đều phải trải qua để sự tội hoàn toàn bị tiêu diệt trong thân xác và sự chết hoàn thành công việc của nó.

        Lời Hứa Cứu Độ

        “Vì mầy đã làm điều đó
        Nên trong tất cả các loài gia súc và thú đồng, chỉ có mầy bị nguyền rủa;
        Mầy sẽ bò bằng bụng, và ăn bụi đất trọn đời.
        Ta sẽ làm cho mầy và người nữ,
        Dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau.
        Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người. ( Sáng 3:14-15)

        Cuối cùng là Đức Chúa phải đuổi con người ra khỏi vườn và ra khỏi Ê-đen như Ngài đã đuổi Lu-xi-phe. Nhưng vì yêu thương hình ảnh của mình Ngài đã hứa sẽ ban ơn cứu độ nhằm phục hồi hình ảnh của mình trong con người. Nói cách khác, chính Ngài sẽ cứu con cái Ngài khỏi tình trạng tội lỗi và sự chết:

        “Ta sẽ làm cho mầy và người nữ,
        Dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ thù nghịch nhau.
        Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.”

        Đây chính là niềm hy vọng của con người. Đức Chúa Trời hứa ban cho loài người một người con sinh ra từ người đàn bà. Trong đoạn Kinh Thánh này “đầu” có nghĩa là quyền lực. “Gót chân” là hình ảnh sự sống. Trong quá khứ, khi một người phụ nữ lâm bồn, bà đỡ sẽ cầm hai chân của đứa trẻ và dốc ngược nó lên. Nếu nó phản ứng và khóc òa lên thì bà nói nó sống, và nếu nó không có phản ứng gì thì có nghĩa là chết. Câu nói này có nghĩa là khi Sa-tan đụng chạm đến sự sống của Đức Ki-tô thì quyền lực của nó sẽ bị phá hủy. Cái quyền lực mà nó đánh cắp nơi con người khi dụ dỗ con người phạm tội và dùng sự chết để giam hãm con người trong sự sợ hãi.

        Ngôi Lời Đức Chúa phải làm người để thực hiện sự vâng phục cho đến chết. Nhờ vậy mà Người gánh được tội bất phục tùng của A-đam và con người. Đức Chúa là thần khí thì không thể chết cho nên Ngài phải mặc lấy thân xác của con người thì sự chết mới thực hiện được việc Chúa trao cho nó. Có như vậy, Lời Chúa mới được thực hiện và Ngài không trở thành kẻ nói dối. Vì Ngài là sự thật và nơi Ngài không có sự đen tối.

        Trước khi Đức Chúa đuổi con người ra khỏi vườn và khỏi Ê-đen, Ngài đã mặc cho ông bà bộ da thú. Ngài đã làm một việc mang tính chất hình bóng báo trước đó là thanh tẩy con người bằng máu của động vật. Một mạng sống đổi lấy một mạng sống. Để cho A-đam và Ê-va được tiếp tục sống trước mắt Đức Chúa Trời, Ngài đã sát tế động vật. Mặc dù Kinh Thánh không nói rõ là con vật gì, nhưng ít nhiều chúng ta cũng có thể liên tưởng đến “hình ảnh con chiên bị sát tế trước khi tạo thành vũ trụ”. Đây là một mạc khải về Đấng Cứu Thế, Ngài sẽ đổ máu mình để thanh tẩy chúng ta khỏi tội và mặc cho chúng ta chính Ngài để chúng ta không còn thấy sự xấu xa và tội lỗi của mình. Chúng ta được mặc lấy Đức Ki-tô là sự công chính nhờ vậy chúng ta được đi vào Ê-đen, sự hiện diện của Đức Chúa. Chúa chuẩn bị cho việc Ngôi Lời Nhập Thể thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp vào những phần sách tiếp theo.

        Chưa có lời bình nào...
        Lời Bình Của Bạn
        31690

        Tổng Số Ký Tự 400